VRG sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của liên minh châu Âu
Lãnh đạo VRG cho biết, để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường khó tính Liên minh châu Âu (EU) giai đoạn tới, Tập đoàn kết hợp Cục Lâm nghiệp, các tổ chức phát triển rừng bền vững xây dựng khung hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho các đơn vị thành viên.
Ông Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giới thiệu về quy định EUDR tại Hội thảo xây dựng kế hoạch thích ứng Quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu của VRG, vào ngày 4/5
Ngành gỗ, cao su Việt chịu tác động bởi EUD
EUDR nhằm hạn chế nạn phá rừng do các hoạt động lâm nghiệp và nông nghiệp trên toàn thế giới. Các mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi quy định này gồm cà phê, cao su, ca cao, đậu nành, dầu cọ, gia súc, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Theo thỏa thuận, quy định sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024.
Để đánh giá tác động và tìm giải pháp để đáp ứng yêu cầu EUDR, ngày 4/5, VRG phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR. Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kết nối 63 điểm cầu là các đơn vị thành viên Tập đoàn. Theo ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, sau 5 năm triển khai phát triển bền vững (PTBV), VRG đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện chứng chỉ quản lý rừng VFCS/PEFC FM, triển khai thực hiện chứng nhận doanh nghiệp bền vững Việt Nam và đẩy mạnh các hành động liên quan trách nhiệm xã hội, môi trường… Chương trình PTBV của Tập đoàn được đánh giá cao, đặc biệt từ các tổ chức phi Chính phủ.
Ngoài ra, hiện nay, hầu hết đối tác của Tập đoàn ở các thị trường phát triển như Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu vào họ phải liên quan đến PTBV, thân thiện với môi trường. Trong đó, với ngành cao su, thị trường này đòi hỏi sản phẩm phải đạt chuẩn EUDR. Các mặt hàng lâm sản, trong đó có cao su và gỗ, nếu muốn xuất khẩu sang châu Âu phải đáp ứng quy định này.
“Từ cơ sở đó, Tập đoàn và các công ty thành viên cần phải đánh giá khả năng đáp ứng của đơn vị với quy định EUDR, từ đó đưa ra giải pháp, cách làm để thích ứng, đảm bảo yêu cầu Liên minh châu Âu đưa ra” – ông Trương Minh Trung nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn cho biết, với vai trò tổ tư vấn trong chương trình PTBV, từ đầu năm đến nay, Ban nhận sự chỉ đạo quyết liệt từ HĐQT, Ban TGĐ Tập đoàn trong việc sớm triển khai kế hoạch thích ứng EUDR. Ông Siêu cho rằng, EUDR là khái niệm mới, thông tin về quy định này vẫn chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, do đó cần có sự trao đổi, nghiên cứu từ nhiều nguồn.
Ông Siêu thông tin thêm, EUDR sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, tức chỉ chưa đầy 8 tháng kể từ bây giờ. Vì vậy, việc đánh giá sản phẩm liệu có tương thích với quy định này cần bắt đầu ngay lập tức. Đồng thời, với những yêu cầu chưa đáp ứng được trong “cuộc chơi” này, các đơn vị cần nghiên cứu, tìm giải pháp.
Ông Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, quy định EUDR yêu cầu sản phẩm, hàng hóa đưa ra thị trường phải đảm bảo ba tiêu chí, bao gồm không gây mất và suy thoái rừng; được sản xuất phù hợp với pháp luật liên quan của quốc gia sản xuất; có báo cáo giải trình trách nhiệm.
Theo ông Đồng, khi quy định có hiệu lực, ngành gỗ và cao su tại Việt Nam sẽ chịu tác động lớn. Do đó, để thích ứng với EUDR, ông Đồng đề xuất tiếp tục duy trì thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng PEFC/VFCS, đồng thời xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình PEFC EUDR DDS.
Đại diện Cục Lâm nghiệp, ông Trương Tất Đơ – Chuyên viên Cục cho biết, khi EUDR có hiệu lực, toàn bộ chủ thể tham gia chuỗi cung ứng đều bị tác động bởi nó. Tại Việt Nam, để đáp ứng các yêu cầu của quy định này, doanh nghiệp phải đối mặt nhiều thách thức. Theo đó, với nền tảng cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, đồng nhất; ngoài ra chuỗi cung ứng phức tạp đi kèm với hệ thống pháp luật chưa quy định theo yêu cầu mất rừng của EUDR… khiến cho việc thực thi quy định còn nhiều khoảng trống.
Theo ông Đơ, để chia sẻ cho doanh nghiệp, ngành lâm nghiệp xây dựng một số giải pháp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vào thị trường châu Âu. Cụ thể, các doanh nghiệp phải nắm được quy định, yêu cầu của EUDR, từ đó điều chỉnh mô hình sản xuất phù hợp, đặc biệt hạn chế nhập khẩu nguyên liệu từ các vùng rủi ro.
Thống nhất thực hiện EUDR từ Tập đoàn đến đơn vị
Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG nhận định, EUDR là quy định mới, nhiều thách thức, nhưng VRG phải thực hiện. Vừa qua, Tập đoàn ban hành quyết định 289 về chiến lược tăng trưởng xanh và PTBV giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược bám sát 17 mục tiêu, trong đó có 10 mục tiêu quan trọng mà HĐQT xây dựng cho chương trình PTBV. Lãnh đạo VRG đề nghị các đơn vị trên cơ sở quyết định này chủ động rà soát, xây dựng lại chiến lược tăng trưởng và PTBV của riêng đơn vị, sao cho phù hợp với định hướng chung của Tập đoàn, đồng thời cập nhật nội dung mới như quy định EUDR.
Với EUDR, ông Trung cho rằng, ngoài EU, các thị trường khác cũng sẽ áp dụng trong tương lai, bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững. Do đó, ông đề nghị Tổ tư vấn PTBV Tập đoàn sớm trao đổi Cục Lâm nghiệp, các tổ chức liên quan để tổng hợp, sớm ban hành khung hướng dẫn thực hiện quy định này. VRG sẽ thí điểm một vài đơn vị thực hiện EUDR, nhất là trong truy xuất nguồn gốc với mủ tiểu điền.
“EUDR là quy định mới, thực hiện cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Tập đoàn đến đơn vị. Các đơn vị chủ động tìm hiểu thông tin liên quan EUDR, đề xuất với ban chỉ đạo PTBV Tập đoàn những cách làm hay, giải pháp, từ đó sớm rút kinh nghiệm và triển khai” – ông Trương Minh Trung chỉ đạo.