VRG đẩy mạnh thực hiện mô hình quản lý 2 cấp: Bước đi chiến lược trong đổi mới và tinh gọn bộ máy
CSVNO – Hướng tới mục tiêu tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, VRG và Công đoàn Cao su Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ mô hình quản lý 2 cấp tại các công ty cao su thành viên, theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Công nhân khai thác trên vườn cây
Mô hình quản lý 2 cấp (bỏ cấp trung gian nông trường), theo Công văn số 634/CSVN-TCCB ngày 26/3/2025 của Tập đoàn, là chủ trương quan trọng, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Công đoàn Cao su Việt Nam cũng đã có Công văn số 1281/CĐCS ngày 16/4/2025 đề nghị các công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, người lao động nhằm tạo sự đồng thuận cao trong quá trình chuyển đổi.
Việc triển khai mô hình quản lý 2 cấp giúp loại bỏ khâu trung gian, tinh giản bộ máy, giảm tầng nấc trong chỉ đạo điều hành, từ đó tăng tính linh hoạt, phản ứng nhanh, phù hợp với yêu cầu quản trị hiện đại. Đồng thời, đây cũng là giải pháp căn cơ nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện tiền lương và thu nhập cho người lao độnG, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thể hiện quyết tâm đổi mới, thích ứng với bối cảnh hội nhập.
Công nhân chế biến mủ cao su
Theo Công văn số 1281/CĐCS ngày 16/4/2025, Công đoàn Cao su Việt Nam nhấn mạnh vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc tuyên truyền, quán triệt đầy đủ chủ trương tới từng đoàn viên; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động; phối hợp với chuyên môn đảm bảo việc sắp xếp tổ chức được công bằng, minh bạch, đúng quy định pháp luật; sắp xếp lại tổ chức công đoàn các cấp theo đúng Hướng dẫn số 38/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được thực hiện liên tục, linh hoạt, dễ hiểu, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin, và đấu tranh với các biểu hiện hoài nghi, hiểu sai hoặc tâm lý lo lắng trong quá trình chuyển đổi.
Việc tổ chức lại bộ máy không chỉ là điều chỉnh về cơ cấu, mà còn là bước chuyển mình trong tư duy quản lý, hướng đến mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, đặt người lao động vào vị trí trung tâm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện đại – nhân văn – chuyên nghiệp.
Trong quá trình thực hiện, Công đoàn đóng vai trò là nhịp cầu kết nối giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động, góp phần đảm bảo sự ổn định, hài hòa lợi ích và giữ vững lòng tin vào chiến lược phát triển của ngành cao su Việt Nam.
Đổi mới bộ máy không chỉ là thay đổi tổ chức, mà chính là đổi mới để thích ứng, để tiến xa hơn trong hành trình phát triển bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn và người lao động trong Tập đoàn hãy là người đồng hành – người thực hiện và người lan tỏa tinh thần tích cực, cùng đưa ngành cao su Việt Nam tiến nhanh trong thời đại mới.
CSVN