Sáng kiến giúp doanh nghiệp vượt khó
Việc thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động đã giúp nâng cao hiệu quả công việc, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển ổn định
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh các phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đã đạt được những kết quả tích cực, giúp đơn vị hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao. Chỉ tính trong năm 2023, Công đoàn công ty đã chủ động, phối hợp với doanh nghiệp (DN) phát động 9 đợt thi đua lớn, thu hút đông đảo người lao động (NLĐ) tham gia.
Trân trọng từng ý tưởng
Trước tình hình khó khăn chung của ngành cao su, ban tổng giám đốc, Công đoàn công ty và các đơn vị trực thuộc thường xuyên ký kết giao ước thi đua với các nội dung trọng tâm: nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh phong trào "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi"… Chính từ những phong trào thi đua thiết thực này, nhiều giải pháp hay đã ra đời, đem lại lợi ích lớn cho DN.
Trong đó phải kể đến sáng kiến xử lý các chất thải từ quá trình chế biến mủ cao su thành phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường của 3 nhân viên kỹ thuật trẻ gồm anh Hoàng Văn Cảnh, anh Nguyễn Duy Long và anh Phan Thành Đông (Nông trường 1) đã giúp nhà máy chế biến mủ cao su tiết kiệm được một khoản chi phí lớn trong xử lý chất thải.
Sản phẩm này được công ty bón thử nghiệm cho vườn cây tái canh và cho kết quả 100% vườn cây đạt năm tầng lá trở lên, tỉ lệ sống đạt hơn 98%; tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt. Qua đó, mở ra hướng xử lý chất thải theo hướng cải thiện môi trường.
Một tấm gương tiêu biểu trong phong trào là chị Điểu Thị Gái, công nhân khai thác Nông trường 5, với giải pháp "Tiết kiệm vật tư". Chị Gái cho biết công nhân thường chủ quan, không quan tâm đến việc tận thu vật tư trên vườn cây vì nghĩ rằng nếu trong lô bị mất hoặc hư hỏng thì đội, tổ sẽ cấp phát đầy đủ.
Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, chị nhận thấy điều này rất lãng phí. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng phân loại để tận dụng vật tư (máng chắn mưa, kiềng, máng dẫn mủ, rây lọc…) chưa bị hư hại nặng để tái sử dụng cho mùa cạo mới, công ty chỉ cần bổ sung 30%-40% số lượng vật tư. "Tôi rất vui vì giải pháp nhỏ mình đưa ra được công ty công nhận" - chị Gái cho biết.
Tương tự, tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), phong trào "Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" do Công đoàn khởi xướng trong 5 năm qua đã làm lợi và tiết kiệm gần 17 tỉ đồng. Điển hình là sáng kiến gắn máng che mưa của anh Sùng Seo Vu (quê Hà Giang), đang làm việc tại Nông trường Cao su An Viễng.
Những ngày đầu vào Đồng Nai lập nghiệp, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cần mẫn và tình yêu nghề, không chỉ vượt chỉ tiêu sản lượng, anh còn đưa ra ý tưởng làm mái che mưa cho cây cao su. Mỗi ngày, lượng mủ cao su thất thoát do thấm nước rất nhiều, do vậy, anh đã thiết kế mái che mưa bằng nhựa dẻo hình lưỡi liềm gắn vào cây cao su sao cho ôm sát đường cạo. Cách làm này đã giúp giữ được lượng mủ cao su chất lượng, tránh thất thoát mủ.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: PHONG VŨ
Lan tỏa tinh thần cống hiến
Trong các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp cao su, phong trào cải tiến kỹ thuật cũng được đẩy mạnh trong những năm qua nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Tiêu biểu như tại Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang), nhiều sáng kiến của NLĐ đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đơn cử là ý tưởng lắp đặt thiết bị biến tần cho quạt hút trong dây chuyền máy chà nhám sản phẩm ván gỗ MDF của phòng kỹ thuật công ty. Dây chuyền chà nhám là khâu xử lý quan trọng trong sản xuất ván gỗ MDF, tuy nhiên quá trình vận hành này làm tiêu hao năng lượng rất lớn, làm tăng chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Thái Việt - phó phòng kỹ thuật, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết qua quá trình theo dõi vận hành dây chuyền chà nhám nhóm nhận thấy có những bộ phận làm việc không hiệu quả hoặc vượt quá mức cần thiết dẫn đến tiêu hao điện năng.
Trước thực trạng đó, nhóm đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp lắp đặt biến tần (thiết bị biến đổi dòng điện một chiều hoặc xoay chiều thành dòng điện xoay chiều có tần số và điện áp có thể điều chỉnh theo mức độ vận hành khác nhau) nhằm điều chỉnh linh hoạt công suất hoạt động của một số bộ phận mà không ảnh hưởng đến quá trình vận hành của các bộ phận khác, đồng thời còn giúp tăng tuổi thọ cho hệ thống. "Vốn đầu tư để thực hiện sáng kiến này khoảng hơn 200 triệu đồng, DN giảm chi phí tiền điện từ 360-720 triệu đồng/năm" - ông Việt cho hay.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (tỉnh Bình Phước), Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 được biết đến là một trong những "cái nôi" sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ngành cao su. Trung bình mỗi năm, xí nghiệp có từ 5-10 sáng kiến được ứng dụng, làm lợi hàng tỉ đồng. Trong đó phải kể đến sáng kiến thiết kế, chế tạo máy cơ giới sử dụng trong quy trình nuôi trùn quế để tiết kiệm thời gian, thay thế sức lao động.
Theo anh Cao Thanh Tình, trợ lý kỹ thuật Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, sau khi hoàn thành, chiếc máy này có khả năng vận chuyển 9 m3 bùn chạy dọc trên hồ nuôi trùn quế và rải đều bùn trên bề mặt hồ. Xe vận chuyển còn lắp đặt thiết bị gom bùn từ hồ nuôi trùn chuyển lên xe để vận chuyển và đổ phân vi sinh đến vị trí tập kết. Trung bình 1 năm, xí nghiệp sản xuất khoảng 700 tấn phân trùn quế cung cấp cho các nông trường.
Làm lợi cho tập đoàn hơn 250 tỉ đồng
Công đoàn Cao su Việt Nam cho biết giai đoạn 2018-2023, đội ngũ đoàn viên - lao động trong ngành đã phát huy hàng ngàn sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn. Trong đó, 170 sáng kiến cấp ngành và 6.805 sáng kiến cấp cơ sở mang lại giá trị làm lợi cho tập đoàn hơn 250 tỉ đồng. Từ các phong trào thi đua lao động, hàng trăm ngàn lượt đoàn viên đã hưởng ứng, qua đó 144.758 lượt đoàn viên - lao động đạt lao động tiên tiến vượt kế hoạch; 17.058 lượt người đạt chiến sĩ thi đua các cấp và 281 tập thể được khen thưởng.