Những điểm mới trong Bộ Luật Lao động sửa đổi
Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động sủa đổi bổ sung. Trong đó nội dung đáng chú ý nhất là bổ sung thêm 10 điểm mới đối với người lao động và 6 điểm mới đối với người sử dụng lao động.
I. 10 điểm mới quan trọng đối với người lao động
Đối với người lao động, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhằm nâng cao quyền lợi lao động khi làm việc tại doanh nghiệp.
1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động sửa đổi
Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây mới chỉ quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong mối quan hệ lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã mở rộng thêm phạm vi áp dụng đối với cả những người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.
2. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu hướng tới 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ
Bộ luật Lao động mới nêu rõ, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường tiến tới khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, trong điều kiện bình thường, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, lao động nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó cứ 1 năm thì độ tuổi nghỉ hưu của nam tăng thêm 3 tháng, nữ tăng thêm 4 tháng.
Đối với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nơi có điều kiện khó khăn thì được nghỉ hưu sớm trước thời gian không quá 5 năm.
3. Quy định riêng đối với lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới
Bộ luật Lao động sửa đổi có những quy định riêng dành cho lao động nữ và đảm bảo quyền bình đẳng giới. Các quan điểm đảm bảo quyền việc làm, quyền lao động của nữ giới được mở rộng và không còn hạn chế như những nội dung cũ.
4. Tăng số ngày nghỉ có hưởng lương
Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm.
Và như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong đó: Tết Dương lịch: 01 ngày; Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng (30/4 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động (01/5 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc khánh: 02 ngày; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày. Trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
Bên cạnh đó, ngoài các trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương như trước đây (bản thân kết hôn: nghỉ 03 ngày; con kết hôn: nghỉ 01 ngày; Bố/mẹ đẻ, bố/mẹ vợ hoặc bố/mẹ chồng chết: nghỉ 03 ngày...) thì Điều 115 Bộ luật Lao động mới đã bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi chết. Lúc này, người lao động cũng được nghỉ 03 ngày như trường hợp bố đẻ, mẹ đẻ hay bố/mẹ chồng, bố/mẹ vợ chết.
5. Tăng giờ làm thêm theo tháng
Bộ luật Lao động bổ sung thêm các trường hợp được tăng giờ làm thêm lên 200 - 300 giờ để tăng quyền lợi cho người lao động. Cụ thể, một ngày không làm thêm quá 50% tổng thời gian làm việc trong ngày, nếu tính theo tuần là không quá 12 giờ/ngày và tính theo tháng thì không quá 40h/tháng.
6. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ việc áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
Thậm chí, trong một số trường hợp, người lao động còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, như:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;
- Đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Đồng thời, người lao động cũng được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chi phí của việc cung cấp do người sử dụng lao động chi trả...
7. Ghi nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử
Xuất phát từ thực tiễn, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc giao kết hợp đồng lao động không đơn thuần chỉ bằng văn bản, lời nói hay hành vi. Chính vì vậy, Điều 14 Bộ luật Lao động mới đã ghi nhận thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
Ngoài ra, với những trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động..
8. Chính sách đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động
Cụ thể, Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định về nguyên tắc để đảm bảo quyền của tổ chức đại diện cho lao động và người sử dụng lao động trong khi thương lượng nhằm hướng tới xây dựng các mối quan hệ lao động hài hòa.
9. Cơ chế bảo vệ cho lao động chưa thành niên
Nhằm để hạn chế tối đa tình trạng bóc lột khi lao động chưa đủ tuổi, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã quy định cụ thể và rõ ràng hơn về cơ chế bảo vệ lao động chưa thành niên.
10. Hạn chế sự can thiệp của Nhà nước trong tranh chấp lao động
Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định linh hoạt hơn trong giải quyết các tranh chấp có liên quan đến lao động, có thể tự giải quyết, không ép buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước.
II. 6 điểm mới đối với người sử dụng lao động
Đối với người sử dụng lao động, Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều quy định linh hoạt hơn trong thủ tục xử lý các mối quan hệ với lao động.
1. Luật hóa vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động
Theo nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019, lần đầu tiên vai trò của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động được luật hóa về: vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia xây dựng các quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động có thể kể đến: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức khác.
2. Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động
Cũng tương tự như người lao động, người sử dụng lao động được mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, số lần ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người cao tuổi hoặc lao động người nước ngoài tăng lên.
3. Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp
Theo đó, vấn đề tiền lương sẽ thực hiện trên cơ sở thương lượng, thảo luận và thống nhất giữa các bên, doanh nghiệp sẽ chủ động trong quá trình xây dựng thang bảng lương, định mức tiền lương đối với lao động.
4. Đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp
Thay vì tổ chức định kỳ 03 tháng/lần như hiện nay thì khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần; đồng thời, bổ sung thêm một số trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại như vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động...
5. Quy định về đăng ký nội quy lao động
Để giảm bớt thời gian và thủ tục đăng ký, Bộ luật Lao động sửa đổi đã quy định linh hoạt về đăng ký nội quy lao động có thể thực hiện tại cơ quan quản lý nhà nước lao động cấp huyện.
6. Giải quyết tranh chấp lao động
Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động theo hướng có lợi cho cả hai bên, tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh.