Lễ Kỷ niệm 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum
Sáng 12/12, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum (12/12/1931 - 12/12/2021) tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.
Các đại biểu thực hiện nghi thức mặc niệm tại buổi Lễ |
Dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, ĐVTN và Nhân dân trên địa bàn.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh dâng hương tại Tượng đài bất khuất và 2 ngôi mộ chung |
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng đặt vòng hoa, dâng hương tại Tượng đài bất khuất và 2 ngôi mộ chung; ôn lại truyền thống 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum và lắng đọng với chương trình sâu khấu hóa “90 năm - Lửa hồng đất Ngục” - tái hiện lại sự quả cảm, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai tại Nhà ngục Kon Tum cách đây 90 năm.
Chương trình sân khấu hóa “90 năm - Lửa hồng đất Ngục” |
Nhà ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917, là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên nhằm đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân ta. Từ năm 1929, thực dân Pháp đã bắt đầu đưa tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum. Người tù chính trị đầu tiên là đồng chí Ngô Đức Đệ, người lập ra Chi bộ Binh - Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum, bị thực dân Pháp đưa lên giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum vào tháng 6-1930.
Đỉnh điểm vào giai đoạn 1930-1931, sau thất bại và sợ hãi trước cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, với âm mưu thâm độc, nhằm cách ly những người Cộng sản với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời lợi dụng nơi rừng thiêng, nước độc, lao động khổ sai để giết dần, giết mòn những người tù chính trị, thực dân Pháp đã đưa gần 300 tù chính trị từ các tỉnh đồng bằng lên giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum.
Trong quá trình giam cầm các chiến sỹ cách mạng, thực dân Pháp đã bắt tù chính trị ra công trường thi công đường 14 ở Đăk Pao làm việc quần quật với bệnh tật, sốt rét, kiết lỵ,những trận đòn roi, những chiêu trò giết người man rợ. Chỉ vỏn vẹn trong 6 tháng thi công đoạn đường 15 km (từ tháng 12-1930 đến tháng 6-1931), đã có tới 150 trong số gần 300 tù chính trị chết thảm, những người sống sót cũng chỉ còn "da bọc xương với bệnh tật đầy người".
Đỉnh cao là cuộc đấu tranh lưu huyết vang dậy núi rừng của các tù chính trị để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường 14 lần thứ hai.
Với quyết tâm đấu tranh đến cùng, sáng ngày 12-12-1931, khi thực dân Pháp thực hiện chính sách ly gián tù nhân và chuẩn bị đưa một số tù còn lại lên Đăk Pét làm đường đã gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị ở Lao ngoài, trong đó có nhiều đồng chí trong Đội Cảm tử, Quyết tử và Ban phụ trách nhà lao. Anh em tù chính trị đã đóng chặt cửa, hô vang khẩu hiệu "phản đối đi làm đường", "phản đối chế độ thực dân cai trị", kiên quyết không chịu đi lên công trường Đăk Pét; kêu gọi phải bãi bỏ chế độ bắt tù chính trị đi làm đường, bỏ chế độ bắt giết, đánh đập, phải biệt đãi tù chính trị...
Trước sự phản đối quyết liệt của tù chính trị, bọn công sứ, giám binh và nhiều binh lính đã kéo đến vây ráp, điên cuồng nã súng tàn sát tù nhân, làm 08 người chết, 08 người bị thương.
Sau khi bắn chết tù chính trị, chúng kéo 08 đồng chí hy sinh ra cạnh sân lao chôn vùi chung một hố và vây bắt một số người không bị thương, còng tay áp tải đi làm đường ở Đăk Sút; số còn lại, chúng dồn vào Lao trong.
Tại Lao trong, với sự đau thương và nỗi uất hận tột cùng, các tù chính trị đã đoàn kết đồng lòng, quyết tâm tuyệt thực để phản đối chính sách cai trị, cùng với đó đưa ra Bản tuyên ngôn chính trị và yêu sách của tù nhân đối với chính quyền thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh cứ thế tiếp diễn và ngày một sục sôi hơn.
Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết của các tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa đã nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực, làm 07 đồng chí hy sinh và 08 đồng chí bị thương, đồng thời áp giải, phân tán số tù nhân còn lại và dập tắt cuộc đấu tranh trong đẫm máu.
Cuộc đấu tranh Lưu huyết và tuyệt thực của các chiến sỹ Cộng sản tại nhà lao Kon Tum đã gây tiếng vang lớn trong dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người, làm cho Nhân dân trong nước và trên thế giới thấy rõ hơn về chính sách cai trị lao tù tàn bạo của Pháp ở Đông Dương.
Sức lan tỏa của cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực đã buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc, chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của các tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc xây dựng đường 14; đặc biệt đến năm 1934 thực dân Pháp phải giải tán bộ máy Nhà ngục Kon Tum, bỏ hẳn Nhà lao Kon Tum.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang xúc động: Tiếp nối truyền thống của những chiến sỹ cách mạng tại Nhà lao Kon Tum năm ấy, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đứng lên đấu tranh anh dũng chống lại kẻ thù xâm lược.Từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật rồi đến đế quốc Mỹ, các chiến sỹ cách mạng qua nhiều thế hệ đã viết tiếp lên mảnh đất Kon Tum những chiến công oai hùng như chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Chiến thắng Đăk Pét, Măng Bút, chiến thắng Măng Đen... làm nức lòng nhân dân yêu tự do, hòa bình trên thế giới, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí khẳng định, 90 năm đã trôi qua, hình ảnh những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước, vì lý tưởng cao đẹp vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim của bao thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau. Những dòng máu Cộng sản đã lưu huyết trên mảnh đất này để phong trào cách mạng Kon Tum hình thành và phát triển... Nhìn lại quá khứ hào hùng, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng tại Ngục Kon Tum, với niềm căm phẫn trước sự tàn ác của giặc ngoại xâm; cảm nhận và tri ân sâu sắc trước những mất mát đau thương mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân tỉnh Kon Tum càng hun đúc thêm truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí đề nghị, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, mỗi chúng ta phải tự rèn luyện, noi gương các thế hệ cha anh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, để xứng đáng hơn nữa với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tận dụng thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quyết tâm đem hết khả năng, trí tuệ, ý chí và nghị lực, khát vọng xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Dương Nương