Hội thi Bàn tay vàng – nét đẹp văn hóa của ngành Cao su Việt Nam
Trong quá trình phát triển, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam luôn khẳng định vai trò tiên phong qua nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, tạo nên khí thế, động lực hăng say trong lao động sản xuất cho hàng ngàn lao động. Một trong những phong trào thi đua tiêu biểu và mang tính đặc thù của ngành là phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”, đã được duy trì bền bỉ và phát triển rộng khắp tại các công ty cao su trong toàn ngành cao su.
Hội thi Bàn tay vàng là ngày hội của công nhân cao su
Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su không chỉ là sân chơi để công nhân khai thác mủ trong ngành thể hiện tay nghề, mà còn là cơ hội để người lao động được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tuyên dương và khích lệ khi đạt được những thành tích xuất sắc. Từ cấp tổ/đội, công ty đến cấp Tập đoàn, phong trào này đã trở thành nét đẹp truyền thống, góp phần thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của người lao động trong ngành cao su.
Từ những năm đầu tổ chức, Hội thi đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không ngừng mở rộng về quy mô và chất lượng. Năm 2012 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Hội thi được nâng tầm lên cấp quốc gia, thu hút các đoàn thợ giỏi từ các đơn vị thành viên trong ngành và nhiều đơn vị không thuộc Tập đoàn. Đây cũng là năm đầu tiên Hội thi chào đón sự tham gia của các thí sinh đến từ các đơn vị trực thuộc Tập đoàn tại Lào, năm 2014 có thêm sự tham gia của các thí sinh từ các đơn vị thành viên Tập đoàn tại Campuchia, đưa sự kiện lên tầm vóc quốc tế.
Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIV năm 2024 tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu của ngành Cao su Việt Nam với sự góp mặt của 240 thí sinh từ 60 đoàn, trong đó có 60 thí sinh người Campuchia và 12 thí sinh người Lào. Hội thi đã trở thành sân chơi lớn, nơi hội tụ những thợ giỏi xuất sắc nhất từ các vùng miền trong cả nước và các công ty, đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn tại Lào, Campuchia.
Hội thi năm nay dự kiến được tổ chức từ ngày 12 – 15/12/2024 tại vườn cây của Nông trường Tân Lập, Công ty CP Cao su Đồng Phú và Trường Cao đẳng Miền Đông. Đây là địa điểm lý tưởng để các thí sinh không chỉ tranh tài mà còn giao lưu, học hỏi và gắn kết tinh thần đoàn kết toàn ngành.
Thí sinh thi thực hành
Những điểm mới của Hội thi Bàn tay vàng năm 2024
Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIV năm 2024 mang đến nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức và quy chế thi đấu.
• Số lượng thí sinh: Mỗi đoàn chỉ được cử 03 thí sinh chính thức và 01 thí sinh dự bị, nhằm tăng tính cạnh tranh và chọn lọc (các lần thi trước 05 chính thức và 01 dự bị).
• Phần thi thực hành: Điểm mới nằm ở việc bốc thăm chấm ngẫu nhiên 5 cây (các lần thi trước 3 cây). Tốc độ thực hiện toàn phần thi tăng thêm 2 phút so với trước đây, nâng thời gian thực hiện phần thi lên 22 phút/100 cây, giữ nguyên điểm cờ vàng 15 phút.
Thí sinh thi thực hành
Hội thi Bàn tay vàng – nét văn hóa độc đáo của ngành cao su
Hội thi Bàn tay vàng không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh tài về tay nghề mà đã trở thành ngày hội truyền thống của ngành Cao su Việt Nam. Đây là dịp để các công nhân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng tinh thần đoàn kết và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Điều đặc biệt là trên thế giới, dù có nhiều quốc gia trồng cao su, nhưng chỉ Việt Nam tổ chức một hội thi thu hoạch mủ với quy mô toàn ngành. Đây là nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn trọng và khích lệ tài năng người lao động, đặc biệt là những người công nhân lao động trực tiếp – điều mà không phải ngành nghề nào cũng làm được.
Hoàn thành phần thi thực hành
Lan tỏa khí thế thi đua lao động
Thông qua Hội thi Bàn tay vàng, Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tin tưởng sẽ thắp lên tinh thần, khí thế thi đua lao động sản xuất trong toàn ngành. Đây không chỉ là sân chơi để tôn vinh tay nghề mà còn là động lực để đội ngũ công nhân toàn ngành cao su vượt qua khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su thật sự là một ngày hội lớn, đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và bản sắc riêng của ngành Cao su Việt Nam. Sự kiện không chỉ khẳng định vị thế của ngành trên bản đồ thế giới mà còn lan tỏa niềm tự hào nghề nghiệp của từng người công nhân trong ngành, góp phần xây dựng một ngành cao su hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và nhân văn.
THẾ HỰU – THANH SƠN