Giúp dân an cư lạc nghiệp
Tại vùng biên giới H.Ia H’drai (Kon Tum), nơi Công ty CP cao su Sa Thầy, Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray (thuộc VRG), Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) và Công ty Duy Tân trồng cao su, đã và đang tạo nên những ngôi làng mới từ sự di cư của lao động các tỉnh phía bắc vào làm công nhân.
Chọn nơi lập nghiệp
Chật vật xoay người với đôi bàn tay còn chưa thạo của người đang học cạo mủ cao su, chiếc khẩu trang che nửa khuôn mặt có nước da trắng hồng, đôi mắt chăm chú theo đường cạo, chị Kha Thị Kiều vừa cạo vừa nói chuyện với chúng tôi: “Em đến từ H.Kỳ Sơn của Nghệ An, theo lời giới thiệu của người thân đang làmcông nhân cao su của Nông trường Mo Rai II”.
Chị Kiều cùng chồng quyết định vào vùng biên giới Ia H’drai lập nghiệp sau nhiều năm chứng kiến cảnh người thân thay đổi cuộc sống khi làm công nhân cho Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray. Ở quê nhà, vợ chồng chị chỉ làm lúa nước mỗi năm một vụ, thời gian còn lại đến các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh tìm việc. Nhưng rồi công việc ở nhà máy, phân xưởng không phù hợp với tập quán của người quê chị.
Lớp học cạo mủ cao su có hơn 60 người, được bố trí gần với 3 dãy nhà tiền chế mà Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray vừa xây dựng để phục vụ nơi ở tạm thời cho công nhân mới. Ngưng cạo mủ, chị Kiều đưa chúng tôi về thăm căn phòng được công ty cấp cho hai vợ chồng. Căn phòng diện tích khoảng 12 m2, có đủ giường, tủ quần áo và chiếc bàn nhỏ phục vụ việc sinh hoạt hằng ngày.
Chị Kha Thị Kiều (đầu tiên) đang tập thiết kế bảng cạo |
Vừa mở cửa, chị Kiều vội vơ mấy vật dụng còn ngổn ngang như cảm thấy ngại ngùng khi khách đến nhà, rồi chị cho biết: “Ngoài quê, lúc đi làm ở khu công nghiệp, vợ chồng em phải tự thuê nhà, công ty hỗ trợ một phần tiền ăn. Còn ở đây, dù mới vào nhưng công ty đã cấp cho căn phòng này, công đoàn cho 10 kg gạo, thêm dầu ăn, nước mắm và một vài nhu yếu phẩm khác để có thể tạm ổn định cuộc sống”.
Huyện biên giới Ia H’drai của tỉnh Kon Tum hiện có 4 công ty đang tiến hành trồng cao su, gồm Công ty CP cao su Sa Thầy, Công ty TNHH MTV cao su Chư Mom Ray (thuộc VRG), Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) và Công ty Duy Tân, với tổng diện tích cao su gần 30.000 ha. Các đơn vị này đang giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động; trong đó chủ yếu đến từ các tỉnh miền núi phía bắc, mà chủ lực là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Qua trao đổi với những lao động mới được nhận vào Cao su Chư Mom Ray, Sa Thầy, Chi nhánh 716, chúng tôi nhận thấy hầu hết trong số họ quyết định vào làm công nhân cao su nơi biên giới này là do sự truyền tai nhau về một công việc ổn định, lâu dài, thu nhập tốt và đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định của nhà nước.
Anh Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Chi nhánh 716, cho hay vào năm 2017 khi đơn vị tiến hành khai thác những cây cao su đầu tiên, nhu cầu lao động rất cao. Trong khi đó, lao động tại chỗ thì không có, vì đây là huyện hoàn toàn mới, dân cư còn thưa nên đơn vị quyết định ra Nghệ An tuyển lao động. Lúc đầu, một số lao động khá ái ngại về vùng đất mới, công việc mới, xa quê hương, làng bản và phải thay đổi cả thói quen sinh hoạt… Thế nhưng, khi đến nơi, được đơn vị cấp nhà ở, cấp mỗi hộ 1.000 m2 đất, hỗ trợ tiền đi lại, lương thực, thực phẩm để bắt đầu cuộc sống, thì họ hết sức bất ngờ, vui mừng và quyết tâm ở lại, một lòng gắn bó lâu dài với đơn vị.
Giữa cái nắng oi ả của vùng biên cương, chúng tôi đến thăm lớp học cạo mủ cao su tại Nông trường Suối Đá (Công ty CP cao su Sa Thầy). Lớp học chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ từ Thanh Hóa, Nghệ An theo bà con, người thân vào lập nghiệp. Tiến đến chỗ anh Nguyễn Văn Tùng (quê H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đang chăm chút đường cạo, chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị, vui vẻ về cuộc hành trình đến với núi rừng Tây nguyên để làm công nhân cao su.
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP cao su Sa Thầy hướng dẫn lao động mới tập cạo mủ |
Anh Tùng kể: “Chúng tôi vào đây với 5 thành viên, giờ thì có đến 4 người làm công nhân cho Nông trường Suối Đá gồm hai vợ chồng, con trai và con dâu. Năm nay đã 42 tuổi, bôn ba khắp nơi làm ăn từ thợ hồ đến nhận nhà để xây nhưng cũng chẳng có dư, thậm chí còn bị lỗ vì tính toán không ra. Tết năm trước, có người quen là công nhân cao su về quê ăn tết đã nói chuyện và cho biết ở đây đang cần người làm, lương thì cao và ổn định hơn làm thợ hồ nhiều. Sau nhiều suy tính, chúng tôi quyết định xin đi theo”.
Dựng nên những khu dân cư mới
Dành cả buổi chiều, chúng tôi đến thăm các khu dân cư mới cũng như cũ ở Cao su Sa Thầy. Những ngôi nhà gỗ, nhà tiền chế bằng tôn cũ kỹ thời kỳ đầu trồng cao su vẫn còn nguyên. Giờ đây, những người ngày đầu đến đã không còn lưu trú trong những ngôi nhà cũ nữa, vì đã có điều kiện làm nhà kiên cố, khang trang hơn, có xe máy và vật dụng sinh hoạt đắt tiền, tiện nghi.
Một góc khu dân cư ở Nông trường Suối Đá, Công ty cao su Sa Thầy VĂN VĨNH |
Trong số họ đã có những người nên vợ chồng, nhiều đứa trẻ đã được sinh ra và lớn lên nơi khu dân cư mới. Vài nhà còn có xe công nông để phục vụ làm kinh tế gia đình, nhà có điều kiện đã lắp máy điều hòa, mở quán cà phê, quán ăn uống và một số dịch vụ khác.
Sầm uất nhất vẫn là khu vực Nông trường III của Cao su Chư Mom Ray, Nông trường Suối Cát và Suối Đá của Cao su Sa Thầy với dân cư đông đúc, nhiều dịch vụ được mở ra kể cả dịch vụ chuyển tiền. Nhịp sống đông vui, tấp nập hơn bởi những con đường giao thông tráng nhựa, bê tông đã được thông suốt, tạo nên sự thuận tiện trong giao thương giữa các vùng miền.
Dẫn chúng tôi đến một căn nhà khang trang nhất khu vực Nông trường Suối Cát, anh Lê Tất Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật Cao su Sa Thầy, giới thiệu: “Đây là căn nhà của vợ chồng công nhân Nguyễn Thị Thùy và Lê Văn Tuấn ở tổ 2, Nông trường Suối Cát. Cả hai vợ chồng đều quê Thanh Hóa, chuyển vào từ năm 2008”.
Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn được nói chuyện với 2 công nhân này, anh Dũng liền đưa đến một điểm học cạo mủ cao su gần Nông trường Suối Cát, nơi chị Thùy đang là trợ giảng. Qua trao đổi, chị Thùy chia sẻ: “Chúng em là những người vào đây lập nghiệp gần như sớm nhất, lúc đầu cũng sợ lắm vì xung quanh mình bốn bề đều là rừng núi, điện nước không có, giao thông trắc trở. Nhưng với niềm tin và sự quyết tâm vượt khó, chúng em đã bám trụ qua từng năm tháng, giờ đây căn nhà khang trang ấy là thành quả của hai vợ chồng tích cóp từ tiền lương công nhân và làm thêm 3 ha điều”.
Lương bình quân của người lao động Nông trường Suối Cát năm 2020 đạt gần 9 triệu đồng/người/tháng. Đây là tín hiệu tích cực để công nhân truyền tới người thân nơi quê nhà về một công việc có thu nhập ổn định. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người chưa thể về quê, nhưng qua điện thoại và các trang mạng xã hội, họ đã kết nối với nhau. Chính vì thế, trước mùa cạo mủ cao su mới 2021, nguồn lao động ở đây khá dồi dào. Hiện toàn công ty đang đào tạo cho 250 người, trong khi nhu cầu của công ty trong năm nay chỉ cần 190 người.
https://thanhnien.vn/giup-dan-an-cu-lac-nghiep-post1392940.html