“Dĩ bất biến ứng vạn biến” quyết liệt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020
CSVN – Đây là ý kiến chỉ đạo, kết luận của đồng chí Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn tại cuộc họp giao ban ngày 26/10 vừa qua.
Tổ chức, quản lý SXKD để đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: Vũ Phong
Tại thời điểm hiện nay mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là 2 đại hạn: Đại dịch Covid-19; Đại hồng thủy. Song, ngay từ đầu năm toàn ngành đã thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bằng mọi nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa tổ chức phòng chống dịch tốt, vừa tổ chức SXKD hiệu quả phù hợp với diễn biến phức tạp và sự tác động sâu sắc của các yếu tố khách quan, làm giảm sự tổn thất, thiệt hại, đồng thời khẳng định nội lực có đủ khả năng chống chọi trong mọi hoàn cảnh. Cái đích phải tới là phấn đấu đạt kế hoạch SXKD năm 2020. Đó là mệnh lệnh, ý chí và phải hành động quyết liệt, chủ động, sáng tạo với kịch bản “Dĩ bất biến ứng vạn biến” cho các ngành nghề, lĩnh vực SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Đáng phấn khởi những tháng cuối năm này, giá mủ có chiều hướng tăng cao, thị trường cao su ấm dần lên do tác động của cung cầu, thiên tai ở nhiều nước trồng cao su, sản lượng giảm mạnh ở sản xuất và tồn kho. Tại Tập đoàn và các đơn vị sản xuất, nhịp độ sản xuất tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ở 3 tháng cuối năm mặc dù phải đối mặt với bão lũ ở miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều đơn vị khó khăn trong thực hiện kế hoạch, song tổng quan thì kế hoạch 365.000 tấn năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành và vượt mức.
Đánh giá, phân tích, chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa sản xuất – giá cả – tiêu thụ và hiệu quả kinh tế, đ/c Chủ tịch nhấn mạnh: Tính thực tiễn của sản xuất nông nghiệp rất cao, cần tổ chức SXKD phù hợp, khai thác mọi tiềm năng để tối đa hóa sản lượng, giá cả, doanh thu, lợi nhuận, tận dụng thời cơ để san lấp, giảm thiểu những tổn thất do khách quan, chủ quan và “ứng vạn biến” là chỗ này. Quy luật của thị trường cao su là: khi giá giảm thị trường ảm đạm, nhiều người bán ít người mua. Khi giá tăng thị trường sôi động, lắm kẻ hỏi mua song hàng không có. Về mặt kinh tế chúng ta phải nhìn nhận một thực tế: giá mủ 30-35 triệu đồng/tấn – lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/tấn, giá mủ 40 triệu đồng/tấn – lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần và còn tăng cao khi giá mủ tăng.
Chúng ta phải học tư duy của người nông dân: họ trồng cao su để thu lợi nhuận 10-15 năm với giá cả bình thường, song khi giá mủ đột biến tăng họ sẵn sàng tối đa hóa sản lượng, sản phẩm thu lợi nhuận trong 5-7 năm, rút ngắn thời gian SXKD và tối đa hoá lợi nhuận, giảm các chi phí sản xuất do kéo dài thời gian. Thời điểm thuận lợi hiện nay là cơ hội vàng cần phải chớp lấy và hiện thực hóa. Tư duy là vậy, vấn đề còn lại là tổ chức, quản lý SXKD như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Chúng ta có đủ nguồn lực vườn cây, nhà máy, lao động, thị trường. Sự đồng bộ, chủ động, linh hoạt, nhận định đúng, quyết định đúng là yếu tố quyết định thắng lợi.
Về các chỉ tiêu kế hoạch SXKD của Tập đoàn và các đơn vị thành viên chưa đặt vấn đề điều chỉnh, bằng mọi nỗ lực phấn đấu với phương châm đơn vị có khả năng hoàn thành và vượt thì phấn đấu vượt tối đa bù đắp cho những đơn vị, vùng miền thiếu hụt sản lượng. Ngoài yếu tố khách quan tác động của đơn vị hụt sản lượng, tăng cường công tác quản lý, tổ chức sản xuất, bố trí lực lượng lao động hợp lý, chế độ cạo, bám vườn cây, sản lượng hàng ngày, nỗ lực hết mình, tránh trông chờ điều chỉnh hoặc ì ra được chăng hay chớ.
Về thu mua cao su tiểu điền so với kế hoạch đạt thấp, mặc dù công suất các nhà máy chế biến trong toàn ngành còn dư thừa. Nguyên nhân của vấn đề này được chỉ rõ: cơ chế, giá cả, cách tính toán giá thành, khấu hao chưa hợp lý, cần phải sửa đổi, bổ sung theo hướng không tính khấu hao trong sản phẩm thu mua, đảm bảo thu mua, chế biến có lãi, điều chỉnh giá thu mua, tạo cạnh tranh để thu mua được nhiều nhất. Đ/c Chủ tịch yêu cầu kế hoạch năm 2021 không động viên, khuyến khích mà phải là giao chỉ tiêu pháp lệnh 100.000 tấn cho các đơn vị thành viên.
Về thị trường và tiêu thụ: theo nguyên tắc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó. Sản lượng từ nay đến cuối năm tăng mạnh, giá đang tốt, đẩy mạnh tiêu thụ, đảm bảo nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký kết, giảm lượng hàng tồn kho xuống mức thấp khoảng 50-60 ngàn tấn để gối đầu. Đây cũng là cơ sở để nhận định diễn biến của thị trường dự báo để xây dựng kế hoạch tiêu thụ năm 2021 sát thực tế, để xây dựng công thức giá, đàm phán ký kết các hợp đồng với các đối tác.
Đối với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất khác, tinh thần chung là chủ động thoát ra khỏi khó khăn, tìm mọi biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận.Mặt trận SXKD đã và đang nóng bỏng, quyết liệt: với quyết tâm chính trị cao, cách đánh mang tính sáng tạo, linh hoạt bằng tư duy mới từ thực tiễn, bằng bản lĩnh và truyền thống của người thợ, bằng sự đoàn kết chung sức chung lòng. Chúng ta sẽ chiến thắng.
TRỌNG NHÂN