HT BTV 2024
TK 2023
NMCB

Công nhân hưởng lợi từ thỏa ước nhóm, ngành

Ngày đăng: 09-09-2022

Thỏa ước lao động tập thể nhóm, ngành là chính sách khung để các doanh nghiệp xây dựng thỏa ước tại đơn vị, từ đó chăm lo tốt hơn cho người lao động

Tiên phong trong việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành, từ năm 2010 đến nay, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc thương lượng tập thể với 5 lần ký kết bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, doanh nghiệp (DN). Các DN tham gia ký kết TƯLĐTT ngành hầu như không xảy ra tranh chấp lao động và tỉ lệ biến động lao động cũng giảm.

Thay đổi nhận thức của giới chủ

Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, Công đoàn ngành hiện quản lý 112 Công đoàn cơ sở với tổng số 108.712 đoàn viên. Do các đơn vị nằm rải rác trên cả nước nên để có thể đi đến thống nhất ký kết TƯLĐTT ngành là cả một quá trình dài chuẩn bị từ việc vận động các DN tham gia, xây dựng dự thảo và tiến hành các phiên thương lượng tập thể... Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực, năm 2010, bản TƯLĐTT ngành đầu tiên đã được ký kết thành công với sự tham gia của 69 đơn vị, tạo bước đột phá về việc xây dựng bộ khung chính sách cho người lao động (NLĐ).

Công nhân hưởng lợi từ thỏa ước nhóm, ngành - Ảnh 1.

Từ khi có thỏa ước lao động tập thể ngành, đời sống công nhân ngành cao su đã được bảo đảm

Lần ký kết gần nhất là năm 2021 với sự tham gia của 76 DN. Thông tin về những điểm tiến bộ của TƯLĐTT ngành, bà Tâm cho biết TƯLĐTT ngành ưu tiên các nội dung về tiền lương, bữa ăn ca và bảo đảm duy trì các chế độ, phúc lợi cho NLĐ. Đơn cử như về tiền lương, các DN phải bảo đảm mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu từng vùng nhân hệ số 1,14. Suất ăn giữa ca cũng tăng 2.000 đồng so với thỏa ước trước đó, trong đó suất ăn được áp dụng tại DN thuộc vùng 1 là 16.000 đồng (mức này chỉ tính chi phí thực phẩm, không bao gồm giá thành điện nước, nhân công).

Ngoài ra, TƯLĐTT ngành cũng quy định cụ thể mức tối thiểu trong một số chế độ dành cho NLĐ như chi mừng NLĐ kết hôn (tối thiểu 200.000 đồng/người); chi hỗ trợ NLĐ, gia đình NLĐ khó khăn (tối thiểu 200.000 đồng/người/lần); bố trí thời gian nghỉ ngắn từ 5-10 phút mỗi ngày làm việc để NLĐ giải lao tại chỗ; khuyến khích DN lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc phục vụ nhu cầu vắt trữ sữa của lao động nữ đang nuôi con nhỏ… "TƯLĐTT ngành không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn làm thay đổi nhận thức của chủ DN trong công tác chăm lo. Thực tế, ngày càng có nhiều DN tham gia ký kết TƯLĐTT ngành, góp phần hình thành giá cả sức lao động và thị trường lao động lĩnh vực dệt may" - bà Tâm khẳng định.

Bà Tâm cũng cho biết hiện hầu hết các DN đã xây dựng được thỏa ước với các điều khoản cao hơn thỏa ước ngành cùng nhiều chính sách đãi ngộ tốt như thu nhập bình quân NLĐ trong ngành là 8,3 triệu đồng/người/tháng (năm 2021); thưởng Tết tối thiểu 1 tháng lương, có đơn vị thưởng 2 - 3 tháng lương; NLĐ nhiều đơn vị được tham quan, nghỉ mát, chữa bệnh, bố trí nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền gửi trẻ...

Cải thiện đời sống công nhân

Công đoàn Cao su Việt Nam cũng đã thành công ký kết TƯLĐTT ngành cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vào năm 2014 sau hơn 2 năm chuẩn bị. Đến nay, trải qua 8 năm áp dụng với nhiều lần bổ sung, điều chỉnh, TƯLĐTT đã giúp hàng chục ngàn NLĐ ổn định đời sống căn cơ cả trong điều kiện khó khăn như giá thành mủ cao su giảm sâu hay các tác động của dịch bệnh.

Lần ký TƯLĐTT ngành mới nhất là tháng 5-2022 với sự thống nhất của 53 DN. Theo ông Võ Việt Ngân, Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam, TƯLĐTT ngành hiện hành gồm 17 điều, trước khi ký kết, từng nội dung trong thỏa ước đều được đưa ra mổ xẻ để hài hòa lợi ích giữa các bên. Cụ thể, về tiền lương, DN bảo đảm mức lương thấp nhất trả cho người làm công việc đơn giản nhất cao hơn mức tiền lương tối thiểu vùng theo quy định 10%. Về thời gian làm việc, NLĐ làm việc 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Lao động nữ được nghỉ vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3, 20-10 hưởng nguyên lương và được tính vào thời gian nghỉ phép hằng năm. Hằng năm, căn cứ kết quả sản xuất - kinh doanh, Công đoàn cơ sở phối hợp với DN tổ chức cho NLĐ đi tham quan, du lịch, học tập, trải nghiệm tối thiểu 3 ngày.

Ngoài ra, DN hỗ trợ NLĐ khi nghỉ hưu với mức 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Con em NLĐ cũng được DN ưu tiên nhận vào làm việc… Từ 35 đơn vị tham gia ký kết TƯLĐTT ngành, hiện nay hầu hết các DN đã chủ động tham gia, lấy đó làm mức tối thiểu để xây dựng chính sách tại đơn vị, hình thành nên bộ khung chính sách trong ngành.

Song song với mô hình TƯLĐTT nhóm, ngành trung ương, tại một số địa phương, LĐLĐ các tỉnh, thành đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng TƯLĐTT nhóm, ngành tại các DN cùng ngành nghề nhằm cải thiện đời sống cũng như môi trường làm việc cho NLĐ. Tiêu biểu như TƯLĐTT nhóm DN chế biến gỗ tại tỉnh Bình Dương với sự tham gia của 16 DN; TƯLĐTT ngành công thương Thái Nguyên đem lại lợi ích cho 17.000 lao động với tổng số tiền ước tính trên 15 tỉ đồng/tháng.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 8-2022, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội đã ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ 2 với Hội Dệt may TP với nhiều điều khoản có lợi như bảo đảm mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng nhân hệ số 1,15; thưởng tháng lương thứ 13; thưởng vào dịp lễ, Tết; thưởng cho NLĐ có nhiều thành tích đóng góp cho DN; chế độ ăn giữa ca (kể cả ca làm thêm) có mức thấp nhất là 15.000 đồng/người/ca (chỉ tính chi phí lương thực, thực phẩm; không tính chi phí chất đốt, phục vụ).

“TƯLĐTT nhóm, ngành không chỉ tác động tích cực đến đời sống NLĐ trên diện rộng mà còn đặt nền móng quan trọng, lâu dài giữa các bên, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN” - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.

THANH NGA

https://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-huong-loi-tu-thoa-uoc-nhom-nganh-20220831200103392.htm

TIN TỨC LIÊN QUAN

Ia H’Drai: Rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ia H’Drai: Rộn ràng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày đăng: 18-11-202444
Hội thi Bàn tay vàng năm 2024 dự kiến tổ chức từ ngày 12 đến 15/12

Hội thi Bàn tay vàng năm 2024 dự kiến tổ chức từ ngày 12 đến 15/12

Ngày đăng: 13-11-202453
Điểm tựa “an cư, lạc nghiệp” ở vùng biên Tây Nguyên

Điểm tựa “an cư, lạc nghiệp” ở vùng biên Tây Nguyên

Ngày đăng: 07-11-202429
Trao 580 suất học bổng cho con em ngành cao su

Trao 580 suất học bổng cho con em ngành cao su

Ngày đăng: 28-10-202467
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam

Ngày đăng: 28-10-202439
VRG tăng cường hợp tác với Công ty thương mại dầu khí quốc gia Belarus, Liên bang Nga

VRG tăng cường hợp tác với Công ty thương mại dầu khí quốc gia Belarus, Liên bang Nga

Ngày đăng: 22-10-2024115
Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy tổng kết và trao giải Hội thi Ban tay vàng thu hoạch mủ cao su

Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy tổng kết và trao giải Hội thi Ban tay vàng thu hoạch mủ cao su

Ngày đăng: 21-10-202484
Cao su Sa Thầy sôi nổi trước Hội thi BTV thu hoạch mủ cao su lần V năm 2024

Cao su Sa Thầy sôi nổi trước Hội thi BTV thu hoạch mủ cao su lần V năm 2024

Ngày đăng: 14-10-2024165
back-to-top