19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đang hoạt động thế nào?
Năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý doanh nghiệp nhà nước của các bộ, địa phương.
Sau khi được chuyển giao từ các bộ về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đều sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định. So với năm 2018, đến nay, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 150 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của các đơn vị thuộc Ủy ban đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng; tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng, tăng cao so với các năm trước.
Lễ ra mắt Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018. Nguồn: Ủy ban quản lý vốn nhà nước |
Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các bộ còn xử lý dở dang, phức tạp, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ.
Tiếp nhận vai trò Cơ quan Thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Đến nay, công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của nhiều dự án, doanh nghiệp đã có những tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Ủy ban cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp; đốc thúc doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến thăm, kiểm tra hoạt động của nhà máy Đạm Ninh Bình tháng 8/2022 để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhà máy này |
Ủy ban còn làm đầu mối tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban còn chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp; thực hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh |
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của việc thành lập Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước.
"Có thể nói sau 5 năm đi vào hoạt động, Ủy ban đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc" - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Chặng đường 5 năm
Kết quả sản xuất, kinh doanh công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty trong tám tháng năm 2023 ước đạt tổng doanh thu 781.973 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ). Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tổng lợi nhuận trước thuế (chưa bao gồm số liệu của EVN) ước đạt 31.236 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng gồm PVN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 50.994 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch năm và bằng 111% so với cùng kỳ. Những doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn gồm Petrolimex, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), PVN, TKV, SCIC.
Về kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất, ước thực hiện lũy kế đến tháng 8/2023, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.136.621 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 27.095 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch năm và 133% so với cùng kỳ năm trước liền kề;
Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 129.453 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ. Trong đó có 5/19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ gồm SCIC, TKV, Vinafood 2, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của bên ngoài, các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực, chủ động, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định chuỗi cung ứng xăng dầu; bảo đảm an ninh năng lượng; gia tăng giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa công nghiệp cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép; nâng cao chất lượng sản phẩm và khối lượng sản xuất các mặt hàng nông lâm nghiệp đáp ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Ủy ban đã góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm an sinh xã hội |
Theo nhandan.vn